Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

# Có đôi khi

Có đôi khi bạn nhớ da diết những lúc một mình. Một mình tất bật dọn dẹp, gói gém đồ về quê Tết. Một mình một balo, một vali kéo lọc cọc ra đường cho bạn cảm giác vừa độc lập vừa bơ vơ. Rồi một mình bạn lên xe, ngồi giữa toàn người lạ. Một mình bạn gửi vali, với tay cất balo, một mình ăn cơm, một mình nhìn ngắm. Những lúc như vậy, bạn vừa muốn được yên, đừng có ai đó phiền hà động chạm đến bạn, đừng có ai rắc rối nhờ vả bạn; bạn vừa muốn được quen, được nói những câu chuyện không đầu không cuối, nói rồi thôi cho hết ngày xe đằng đẵng quê xa. Một mình, lúc đó bạn đối diện với chính mình, là một con người khác cũng thật không kém con người sôi nổi, ồn ào bình thường. Một mình, bạn lặng lẽ hơn, bạn tận hưởng sự tự do cô đơn như thể không ai có thể chạm được vào bạn.


Có đôi khi bạn cần ra đi khủng khiếp. Thành phố chật chội nhồi nhét tâm trạng bạn mỗi ngày. Cảm giác đi xa, những nỗi niềm bay vèo trôi tuột theo con đường bạt gió. Đi đến một nơi khác là cách dễ dàng nhất để tìm mình khác. Tâm trạng sẽ khác, hơi thở sẽ khác, nước mắt sẽ khác và cái nhoẻn miệng cười cũng khác. Bạn cần phải hít một hơi thật sâu những hơi thở xa lạ trên đồi gió cát, giữa rừng xanh tươi nồng nàn mùi sương, giữa biển trời mênh mông thơm mặn… để những khác lạ đó len lỏi vào từng ngóc ngách suy nghĩ của bạn, đem bạn ra khỏi những bề bộn thường ngày. Biển sẽ hát những câu rì rào tưởng quen nhưng xa lạ mê hoặc bạn, vỗ về bạn rồi đưa bạn về xa xăm của thành phố đông người.


Có đôi khi bạn muốn khóc một trận tơi bời, khóc tức tưởi đến tận cùng của nỗi đau mà bạn cũng không thể định hình được bạn đang đau đớn vì điều gì. Bạn muốn khóc ầm ĩ, khóc gào thét để rồi sau đó mắt bạn có sưng húp, mặt bạn có bơ phờ đi chăng nữa thì bao nhiêu nặng nề cũng bốc hơi theo nước mắt hết. Rồi bạn đi rửa mặt, những giọt nước mắt cuối cùng trào ra cũng được rửa trôi, số còn lại ẩn sâu vào trong bạn để dành cho những cảm xúc, những dằn vặt, đau thương vẫn cứ luôn nồng nhiệt sẵn sàng. Bạn sẽ cảm thấy khóc xong bạn nhẹ như mây khói nhưng mới mẻ hơn rất nhiều. Và rồi bạn sẽ muốn làm gì đó khác những điều đã khiến bạn khóc, chắc chắn.


Có đôi khi bạn chợt nhận ra mình đã bỏ rơi những nỗi nhớ. Như khi vùi đầu vào công việc, những giờ phút tâm hồn bạn cô quánh lại, công việc cuốn bạn đi mê mải để đến khi buông ra bạn thấy mình hụt hẫng đến kiệt sức và vội đi tìm kiếm những cơn nhớ. Bạn không lựa chọn việc kể lể những mệt mỏi, quay cuồng mà công việc đã kéo bạn đi vì câu chuyện đó quá cũ, bạn vẫn đối diện mỗi ngày qua. Bạn chọn những nông nổi, bốc đồng, bạn chọn đi mưa tìm nắng, chọn những ngọt ngào đựng trong cái hũ nhỏ xinh. Và có đôi khi bạn nhận lại là buồn tủi, giận hờn lẫn lộn, nhưng có sao đâu, tâm hồn bạn đã trở lại.


Có đôi khi bạn cảm thấy bơ vơ như chưa từng có ai ở bên cạnh. Bạn tự xoay sở mọi thứ, bạn không cho phép mình than vãn và được chìu chuộng, bạn tự tìm kiếm những điều ấm áp an ủi để cân bằng những chông chênh vốn dĩ… Nhưng SG có vô tình quá không khi có quá nhiều điều để lựa chọn, có quá nhiều điều để buồn, có quá nhiều điều để hân hoan, có quá nhiều phút chạnh lòng, có quá nhiều chuyện để khắc ghi. SG để mặc bạn hoảng loạn khi phải tự mình lựa chọn những điều ngổn ngang đó. Và có đôi khi bạn buồn, có đôi khi bạn vui, có đôi khi bạn tủi thân đến thê thảm, có đôi khi bạn hạnh phúc như không phải sự thật và… có đôi khi bạn không thể định vị được bản thân mình. Bạn không biết mình đang buồn hay vui, đang giận hờn hay cảm thông, càng không biết nên buồn hay vui, nên giận hờn hay không, nên cảm thông như thế nào…


Có đôi khi bạn vi phạm chính những lý tưởng mà mình vẫn từng đinh ninh. Có lẽ bạn cần thời gian để mình nguôi ngoai, để người khác lãng quên lỗi lầm đó. Có lẽ bạn cần sửa sai để cứu chuộc cảm giác phạm tội của mình. Có lẽ bạn cần một ai đó làm cho bạn tin rằng sai phạm đó cũng dễ hiểu thôi, rằng bạn luôn được chia sẻ và thông cảm. Hay có lẽ bạn cần thay đổi những lý tưởng chắc chắn kia để tìm cho mình những cân bằng mới. Nhưng có lẽ bạn không nên im lặng, không nên chôn vùi sự vi phạm đó vào nơi sâu thẳm mà chính bạn cũng không thể chạm vào để rồi từng người, từng người đến bên bạn đều bị tổn thương.

Ps: 1 tháng lẻ mấy ngày của sự cố gắng, kể từ ngày lá thư tay được gửi và bắt đầu quen những hương vị của nhau. Có rất rất nhiều điều có lẽ không cần nhưng dù sao cũng đã biết và cố gắng thấu hiểu, cố gắng lý giải và cố gắng cảm thông. Và sẽ tiếp tục cố gắng với tất cả cảm xúc chân thành nhất. Nhưng có đôi khi nhưng phút vô tâm làm chòng chành con thuyền nhỏ.

SG ngày 10/10/2013 - Ngày tình yêu làm buồn lặng lẽ

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

#Review: Trung Nguyên cà phê vs Nescafe

Mình không phải influencer gì hoành tráng lệ nên viết vài dòng phát biểu cảm nghĩ khi đã trải nghiệm hết 2 thể loại cà phê này. Bài viết dựa trên tầm nhìn cá nhân hạn hẹp thôi nhen :D

Câu chuyện ngày xưa
Hồi nhỏ, nhà mình bán tạp hóa, nhà có bán cà phê gói của Nescafe và Vina cà phê và gì nữa đó mà mình chỉ nhớ 2 nhãn đó. Lúc đó nescafe loại gói dài, Vina loại gói vuông. Mình thấy người ta vẫn mua đều cả 2 loại đó nhưng chả hiểu vì sao về sau Má mình chỉ còn bán Nescafe thôi.

Đến khi mình lớn hơn tí, ngày mình lo chơi, tối mình phải thức khuya học bài nên phải uống cà phê cho tỉnh lòi mắt ra. Lúc đó, nhà chỉ có mỗi Nescafe, loại 3 cấp độ mà mình thường chọn loại nặng đô nhất là "đậm đà hơn", gói màu xanh lá cây :3 Hồi đó đối với mình cafe gói trên đời này chỉ có mỗi loại đó. Mãi cho đến khi lên đại học và tận cách đây vài ngày mình ra tạp hóa nhỏ gần nhà mua cà phê gói, người ta vẫn chỉ có Nescafe mà thôi (không uống thì nhịn)



Lúc đó mình thực sự chả biết phân loại cà phê là như nào. Mình chỉ có những ý niệm mơ hồ, bản năng rằng cà phê phin ngoài quán thì ngon, hít 1 hơi chỉ còn đá. Từ hồi nhỏ tí mình đã đu theo ông già quất 1 hơi hết ly cà phê ngồi cà kê của ổng, ổng phải kêu ly khác để ngồi nhâm nhi cà kê tiếp, tới giờ vẫn vậy. Còn cà phê gói thì... cực chẳng đã phải uống để thức học bài :( Mà khuya khuya, bụng rỗng, uống cà phê (của Nescafe) vào thể gì cũng bị tiêu chảy, tiêu cũng chảy mà không tiêu nó cũng chảy hic

Câu chuyện ngày nay
Là câu chuyện khi mình bắt đầu có khái niệm về brand và được khai sáng bằng vài chữ đơn sơ "Cà phê thơm" và "cà phê chua" thì mình mới ồ ra cà phê gói của phương Tây xa xôi là cà phê chua không hạp khẩu vụ thích cà phê thơm pha phin của người Việt. Và người khai sáng điều đó là thầy ráo dạy môn thương hiệu ở Khoa PR và là cựu Marketing Manager của Trung Nguyên (không biết nhớ  tittle của thầy đúng không, lỡ nhầm thầy tha cho em, lúc thầy giảng em ghi nhớ từng lời nên em quên mất điều ấy hehe :D). Sau cuộc khai sáng đó mình bắt đầu lựa chọn cà phê theo thương hiệu và quyết định rằng cuộc đời mình từ đây chỉ uống cà phê gói của Trung Nguyên mà thôi. Dù cho Nescafe đã có sản phẩm cà phê Việt nhưng mình cũng tuyệt chưa thử bao giờ.
Và, có 1 điểm khác biệt rất lớn (đối với mình) ở đây là, uống cà phê Trung Nguyên mình không bị tiêu chảy :D Thế đó, đời mình sang trang mới.



Vì phải uống cà phê mỗi ngày, mình đã chế thêm các thể loại pha cà phê với sữa tươi, uống cực béo, cực ngon :P Chả biết có xung đột các thành phần của 2 bọn nó với nhau không, nhưng ngon mình cứ uống vậy à

Câu chuyện Marketing
Cá nhân mình thấy Nescafe làm marketing quá đỉnh. Trong công ty mình, chỗ quầy nước, có cà phê, ca cao, ngũ cốc... miễn phí mà cũng toàn là cà phê gói Nescafe, mình phải mua 1 hộp Trung Nguyên vào để mà uống mỗi ngày :( Có hôm hết cà phê, mình chạy xuống tạp hóa gần cty hỏi mua cũng chả có Trung Nguyên, toàn Nescafe, cô chủ quán bảo "loại đấy chả ai mua nên cô không bán" :D Phủ sóng quá là xá luôn há. Mình muốn mua Trung Nguyên thì phải đi siêu thị mà hiếm lắm mới đi, mà đi cũng chả nhớ tạt qua hàng cà phê ẵm 1 hộp ^^ Thế là từ khi hết cà phê gói Trung Nguyên đến giờ, mình đành uống cà phê pha sẵn của mấy cô hàng nước chứ vẫn quyết tâm không uống Nescafe free ở quầy nước cty



Nescafe cũng có mấy cái quảng cáo rất là dễ mến í và đang chạy cái campaign "Nông trại cà phê" siêu dễ thương luôn :) Còn Trung Nguyên cafe thì luôn đánh mạnh vào doanh nhanh (hình như cũng chỉ thành công ở phân khúc đó) và thanh niên, trẻ, sáng tạo, trí tuệ... Mà cá nhân mình thấy Trung Nguyên chả sáng tạo tẹo nào, quán cà phê thì lúc nào cũng trầm mặc, không gian thì bao năm vẫn một kiểu chả có gì để bàn cãi. Trung Nguyên cũng chẳng thanh niên trẻ trung tẹo nào ngoài việc tài trợ cho mấy chương trình, giải thưởng trí tuệ Việt. Rõ ràng mình thấy, người bước vào quán Trung Nguyên toàn các chú, còn người mua các sản phẩm đóng gói, đóng chai của Trung Nguyên thì mình không có kết quả research nên không dám nói càng nhưng mình thấy xung quanh mình người uống Nescafe nhiều hơn cái chắc (vì mình toàn làm ra bộ khác biệt vì không uống được Nescafe, chỉ uống Trung Nguyên)

Chưa kể bác Vũ thì lúc nào cũng mang hồn dân tộc, thương hiệu quốc gia, thậm chí còn bỏ hẳn 1 tờ giấy thần chú gì đấy vào hộp cà phê của mình. Mình không đọc nên cũng không biết tờ giấy đó viết gì ở trỏng, ngó sơ qua thấy lại là bác Vũ ca cẩm về thương hiệu quốc gia nên mình không đọc luôn hic Như vậy nặng nề cho người tiêu dùng quá, tâm lý của mình mua cà phê về háo hức mở ra, pha nước uống, cà phê ngon tự khắc mình trở thành khách hàng trung thành như này này. Mình thấy triết lý của bác Vũ cũng hay nhưng hình như bác đang kì vọng quá nhiều hoặc quá nhầm ở người tiêu dùng của mình thì phải. Thậm chí mình còn không hiểu hết ý nghĩa thương hiệu quốc gia mà Trung Nguyên kì vọng đầy đủ là gì. Vì đối với mình, những điều "hữu xạ tự nhiên hương" như Phở là Việt Nam, Chiến Tranh là Việt Nam (Chiến tranh còn là I Rắc), ăn cắp vặt là Việt Nam, phong cách nông dân là Việt Nam... với một hình thức nào đó, chính là thương hiệu quốc gia :v Hoặc những điều "phấn đấu" như Cá tra cá ba sa (và gì nữa nhỉ, kiến thức nông cạn không đủ để kể lể hì hì) chính là thương hiệu quốc gia. Bác đang muốn rằng khi nghĩ đến Việt Nam, người ta sẽ kể tên Trung Nguyên như Nhật kể tên Toyota, Maria chăng :v